1. Nhà công tử Bạc Liêu
Trong số các điểm đến hấp dẫn được nhiều người biết đến thì có lẽ, nhà công tử Bạc Liêu là nơi được mong chờ nhất trong chuyến du lịch tại Bạc Liêu. Vốn dĩ như vậy là vì nơi đây gắn liền với dòng họ Trần Trinh nổi tiếng khắp xứ Nam Kỳ (thời Pháp thuộc) về độ giàu có cũng như danh tiếng ăn chơi, sài tiền không chút xót của một vị công tử.
Nói đến điều này thì có lẽ ai cũng biết, đó chính là vua muối Bạc Liêu Trần Trinh Trạch (hay còn gọi là ông hội đồng Trạch) – một người làm vạn người kính nể, khâm phục với huyền tích “cậu bé chăn trâu bần cố nông trở thành đại điền chủ giàu nhất đất Nam Kỳ và được xếp vào tứ đại phú hộ là “Nhất Sĩ – nhì Phương – tam Xường – tứ Trạch”, và con trai ông là Trần Trinh Huy – người được mệnh danh là “tay ăn chơi bậc nhất Sài Gòn”, “Hắc công tử”, đặc biệt là danh hiệu “công tử Bạc Liêu”.
Trải qua khoảng thời gian gần 100 năm, ngày nay những danh hiệu này chỉ còn được lưu miệng hay ghi trong sách, báo, loa, đài. Thế nhưng, những gì diễn ra trong quá khứ vẫn làm người ta trầm trồ khi nghe lại. Và càng trầm trồ hơn ngôi nhà khi xưa vẫn còn đầy đủ những vật dụng vô cùng giá trị mà có vàng chưa chắc đã mua được. Đó là lý do vì sao mà danh tiếng công tử Bạc Liêu vẫn lưu tiếng gần 100 năm nay, khiến ai cũng một lần được ghé đến để thỏa trí tò mò.
2 Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng chừng 2,5km và nhà công tử Bạc Liêu khoảng chừng 2km về hướng Đông. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tên gọi đầy đủ là Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu) là nơi ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu – tác giả của bài “Dạ Cổ Hoài Lang” mà tiền tiền thân là bài “Vọng Cổ”, đồng thời là nơi lưu giữ, bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống “Đờn ca tài tử Nam Bộ” – di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2013.
Theo thông tin cung cấp từ Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bạc Liêu, khu lưu niệm trước đây là khu mộ của gia đình nhạc sĩ có diện tích rộng gần 3 hecta gồm bốn ngôi mộ là cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và vợ là Trần Thị Trấn; sông thân cố nhạc sĩ là ông Nguyễn Giỏi và bà Võ Thị Tài.
3 Vườn nhãn cổ Bạc Liêu
Từ trung tâm thành phố Bạc Liêu đi theo hướng đường 31 (TL31) đến chùa Xiêm Cán và cánh đồng quạt điện, tại địa bàn hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông là một vườn nhãn cổ nổi tiếng khắp đồng bằng sông Cửu Long khi đã có thâm niên hơn 100 năm tuổi, nhưng hàng nằm vẫn cho ra trái sum suê mà không thấy có dấu hiệu già nua, úa tàn.
Theo người dân nơi đây cho biết thì tổng diện tích vườn nhãn khoảng gần 110ha. Vườn nhãn ngày ấy được trồng bởi ông Trương Hưng mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc, hễ cứ chỗ nào trên hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông có đất giồng cát là chỗ đó trồng nhãn Su-bíc.
4 Chùa Xiêm Cán
Nằm trong hệ thống chùa Khmer Nam Bộ thuộc hệ phái Nam Tông đại thừa của đồng bào dân tộc Khmer miền Tây, có thể nói, chùa Xiêm Cán là ngôi chùa có quy mô lẫn phong kiến trúc mà ít ngôi chùa Khmer Nam Tông nào ở Việt Nam có thể sánh lại.
Ngôi chùa được khởi công xây dựng mùng 7 tháng 5 dương lịch năm 1887 trên diện tích khoảng 4,5 ha. Người có công xây dựng là ông Nên (63 tuổi) và vợ là bà Nghét (54 tuổi), một gia đình giàu có nhất trong Phum (xóm, làng) lúc bấy giờ. Cùng xây dựng còn có 30 hộ gia đình khác hàng ngày khai phá rừng để lấy cây và đất để xây cất chùa.
Theo bia ghi chép trước chính điện thì ban đầu ngôi chùa có Prét Chru. Prét có nghĩa là “sông”, còn Chru có nghĩa là “sâu”, ghép lại là “sông sâu”. Thời gian sau, có một bộ phận người Hoa người gốc Triều Châu (Trung Quốc) đến định cư, do tên gọi ngôi chùa theo tiếng Khmer khó đọc nên họ đã dịch từ Prét Chru sang Xiêm Cán. Ý nghĩa của từ Xiêm Cán này là “giáp nước”, một ngôi chùa ngự trên một vùng đất ngay bên cạnh bãi bồi ven biển.